Trường Tiểu học Đức Chính
Thư viện Trường TH Đức Chính
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 03
*************
CUỐN SÁCH: “KIM ĐỒNG”

NỘI DUNG:
Kính thưa thầy, cô giáo và các em học sinh thân mến!
Hướng tới chào mừng 94 năm ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025) Thư viện gửi tới thầy, cô và các em cuốn sách “Kim Đồng” để tưởng nhớ người thiếu niên anh dũng hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi, anh là một tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên và con người Việt Nam noi theo. Với mong muốn tất cả các bạn học sinh - những thế hệ tương lai của đất nước ghi nhớ những trang lịch sử vẻ vang cũng như truyền thống yêu nước, tinh thần quả cảm của dân tộc Việt Nam, Hôm nay tôi rất vinh dự khi được đứng ở đây giới thiệu về cuốn sách Kim Đồng của Nhà văn Tô Hoài do NXB Kim Đồng ấn hành.
“Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít
Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu
Kim Đồng quê hương Việt Bắc xa mù
Kim Đồng thay cha rửa mối quốc thù…”
Những lời ca hào hùng ấy chắc hẳn không hề xa lạ với mỗi thế hệ trẻ Việt Nam ta. Đó là lời mở đầu của bài hát Kim Đồng mà nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác vào năm 1945 để ca ngợi liệt sĩ Kim Đồng.
Anh hùng Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929, người dân tộc Nùng tại Nà Mạ tỉnh Cao Bằng. Những trang viết đầu tiên, Nhà văn Tô Hoài đã dành khá nhiều trang sách để viết về cuộc sống hàng ngày của Kim Đồng. Trước khi đến với cái tên Kim Đồng ấy, người thiếu niên anh hùng của chúng ta là cậu bé Dền trong sáng, ngây thơ. Dền cũng như bao đứa trẻ khác có những hành động, lời nói rất hồn nhiên. Nhưng sống trong thời kì chiến tranh, khi mà kẻ thù tàn ác - tuổi thơ của Dền đã phải tận mắt chứng kiến cảnh bố mình và bao nhiêu người làng bị đánh đập, bị lính bắt đi phu. Rồi đến khi được tin bố mình chẳng bao giờ về nữa, Dền đã chứng kiến sự mất mát, đau khổ của mẹ. Dền bắt đầu tập làm người lớn để giúp đỡ mẹ.
Sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của chiến khu cách mạng, Dền rất muốn được làm cách mạng dù biết nó rất nguy hiểm, gian nan. Rồi cái ngày mong mỏi ấy cũng đến. Dền được cử làm tổ trưởng Hội Nhi Đồng Cứu Quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh) và có tên cách mạng là Kim Đồng. Kim Đồng rất nhanh trí gan dạ và hay có sáng kiến muốn được làm công tác giao thông liên lạc. Chúng ta sẽ bị cuốn hút bởi nhiều tình huống bất ngờ, nguy hiểm khi Kim Đồng đi làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển công văn tài liệu hay trinh sát nắm tình hình địch để cung cấp cho cán bộ.
Rạng sáng ngày 15 tháng 2 năm 1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Mặt trận Việt Minh. Địch phát hiện và cho một lực lượng khá lớn bao vây hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo. Trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hoả lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn. Riêng Kim Đồng, khi bị trúng đạn của địch, anh chạy đến khu vực gần bờ suối Lê nin và đã anh dũng hy sinh khi anh vừa tròn 14 tuổi.
Cuốn sách không chỉ mang đến cho các em những cung bậc cảm xúc vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm mà còn dạy em những bài học đáng quí. Bài học về kiến thức lịch sử; về lòng yêu nước; về ý chí, lòng quả cảm, sự quyết tâm. Trước tấm gương sáng chói của người anh dũng ấy, chúng ta cần sống có mục đích và lí tưởng cao đẹp hơn để không hổ thẹn trước một thế hệ thiếu niên tuyệt vời như anh!