PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẨM GIÀNG
TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐỨC CHÍNH
Video hướng dẫn Đăng nhập

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VĂN MIẾU MAO ĐIỀN - DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

      Cả nước hiện nay có 6 Văn miếu lớn, ra đời sớm và có giá trị nhất là Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội thì Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đứng thứ 2 chỉ sau Văn miếu Hà Nội về quy mô, kiến trúc cũng như giá trị lịch sử.

Tên gọi Văn miếu Mao Điền:
 

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VĂN MIẾU MAO ĐIỀN

(Đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt)

      Cả nước hiện nay có 6 Văn miếu lớn, ra đời sớm và có giá trị nhất là Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội thì Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đứng thứ 2 chỉ sau Văn miếu Hà Nội về quy mô, kiến trúc cũng như giá trị lịch sử.

      Tên gọi Văn miếu Mao Điền:

     Chữ Văn miếu:  chữ Văn có hàm nghĩa rất rộng bao gồm toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội.  Chữ miếu là nơi thờ tự

      Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi. Chữ Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, cỏ thi người ta đã chọn nơi này để làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trương thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích do vậy có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.

1. Lịch sử khoa cử phong kiến  Việt Nam và Hải Dương

      Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam được tính từ năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông mở khoa thi "Minh kinh bác học", khoa cử phong kiến được khép lại vào năm 1919 dưới triều vua Nguyễn Hoàng Tông. Trải qua gần 9 thế kỷ, cả nước tổ chức được 185 kì thi, tuyển chọn được 2898 vị tiến sĩ thì Hải Dương có 637 vị và 12 Trạng nguyên (địa giới hành chính là Trấn) còn địa giưói hành chính là tỉnh, thành từ năm 1931 đến nay là 486 vị Tiến sĩ), chiếm 1/6 số tiến sĩ trong cả nước. Huyện Nam Sách có số Tiến sĩ nhiều nhất của Hải Dương cũng là nhiều nhất của cả nước với 125 vị đại khoa.  Đặc biệt Hải Dương còn biết đến 1 địa danh  nổi tiếng được mệnh danh là "Lò Tiến sĩ xứ Đông" thuộc làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang có tới 39 vị Tiến sĩ đỗ đạt qua các triều đại Trần, Lê. Đây là trường hợp "Độc nhất vô nhị" trong lịch sử khoa cử Hán học Việt Nam. Qua đây ta thấy rằng Hải Dương là tỉnh có số tiến sĩ nhiều nhất cả nước trên cả 3 cấp độ hành chính tỉnh, huyện, xã.

      Về dòng họ có họ Nguyễn, họ Phạm, học Vũ là 3 dòng họ có số tiến sĩ nhiều nhất hải Dương và cũng là nhiều nhất của cả nước.

2. Lịch sử hình thành và phát triển Văn miếu Mao Điền

     Xuất phát từ truyền thống khoa bảng vẻ vang như vậy Hải Dương là tỉnh sớm được xây dựng Văn miếu để thờ Khổng Tử và lưu danh các vị Đại khoa tiêu biểu cho truyền thống khoa bảng của xứ Đông xưa và tỉnh Hải Dương nay.

      Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn ngọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu nằm ở phía Bắc đường Quốc lộ 5A chừng 200m, cách Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Đông và cách trung tâm thành phố Hải Dương 16km về phía Tây, rất thuận lợi về mặt giao thông.

     Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa và nối tiếp Văn miếu trấn Hải Dương  xưa, nguyên ở xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, có 3 gian chính tẩm, 5 gian Bái đường. Hiện nay nền đất cũ vẫn còn, một nền đất cổ nằm bên hữu ngạn dòng sông Mao, người dân gọi đây là nền Văn miếu xưa. Dấu tích về khu Văn miếu này nay vẫn còn trên một khu đất cao 1,5m, so với mặt bằng chung của cánh đồng xung quanh. Đây là khu đất hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200m, chiều rộng 150m nằm ven sông Mao, phía trước có cánh đồng Cửa Miếu (còn gọi là cánh đồng Thánh).

      Trước khi dời về vị trí hiện nay ở địa phận Mao Điền, Văn miếu trấn Hải Dương  được xây dựng từ trước năm 1800 trên khu vực Vĩnh Lại, Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương mà dấu tích của nó còn lại như đã kể trên. Đến thời Tây Sơn Văn miếu chuyển về sáp nhập với trường thi Hương trấn Hải Dương tạo thành một trung tâm văn hóa lớn tọa lạc trên diện tích đất ngang dọc rộng 36.000m2, với các hạng mục công trình nguy nga như nhà Bái đường, Hậu cung, Đông vu, Tây vu, Đài nghiên, Tháp bút… Nhưng sau một khoảng thời gian ngắn do những biến thiên của lịch sử, khiến Văn miếu Mao Điền bị hư hại nặng nề. Ngay sau đó Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu sửa chữa lớn dưới thời vua Gia Long. Kể từ khi được chính quyền phong kiến nhà Nguyễn có trùng tu nhiều lần và gìn giữ đến năm 1947, các hạng mục công tình của Văn miếu Mao Điền còn khá hoàn chỉnh, hàng năm 2 kỳ Xuân - Thu, quan Tổng đốc từ thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương) về Tế lễ hết sức trang Nghiêm. Năm 1948 thực dân Pháp chiếm đóng Văn miếu, xây dựng tường hào, lô cốt (hiện nay vẫn còn một số đoạn tường hào, lô cốt) đóng quân lập quận Mao Điền. Đầu năm 1952, bộ đội địa phương và dân quân du kích tiến công quận mao Điền, chiến thắng oanh liệt. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn miếu dùng làm nơi chứa lương thực, vật tư của Nhà nước phục vụ kháng chiến. Trong những năm 1977 - 1990 khu di tích bị xuống cấp nặng nề, các công trình như nhà Khải Thánh, Tháp bút, gác Khuê  văn… bị phá bỏ, thảo rỡ, chỉ còn lại 2 tòa Tiền Tế, Hậu cung, nhà Đông vu, chiếc Khánh đá và 3 tấm Bia.

     Văn miếu chỉ thực sự được phục hồi lại kể từ sau năm 1990. Nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của di tích đặc biệt này, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Hải Dương đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xét xếp hạng di tích. Ngày 21 tháng 1 năm 1992, Văn miếu được Nhà nước ra Quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 1994, tiếp tục trùng tu, sửa chữa những hạng mục công trình trong khu Văn miếu. Năm 1995, Văn miếu môn được xây dựng mới. Năm 1999, tiến hành trùng tu Tiền Tế, Hậu cung. Những việc trùng tu liên tiếp như vậy, đã từng bước trả lại cho Văn miếu Mao Điền diện mạo như buổi thời thịnh của nó, cần có một cuộc đại trùng tu, việc đó được tiến hành vào tháng 6 tháng 2002. Nhà nước và chính quyền tỉnh Hải Dương đã tiến hành trùng tu toàn bộ khu di tích, trả lại quy mô, dáng vẻ như vốn có của di tích, tương xứng với những giá trị lịch sử và văn hóa mà nó mang trong mình, dấu ấn về một mảnh đất xứ Đông văn hiến.

     Công cuộc trùng tu đã được hoàn tất vào ngày 20 tháng 4 năm 2004, đem lại cho Văn miếu Mao Điền một diện mạo hoàn toàn mới.

3. Không gian cảnh quan kiến trúc.

     Văn miếu Mao Điền - Nơi tôn vinh đạo học tỉnh Đông; sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng đã trở thành khu di tích lớn của tỉnh Hải Dương với tổng diện tích lên tới gần mười ngàn mét vuông (01 ha). Từ năm 2002 - 2004, nhiều hạng mục công trình đã được tu bổ, tôn tạo. Từ ngoài vào trong gồm có:

        - Miếu Thổ Cờ:

        

     Di tích là nơi thờ Thổ thần theo tín ngưỡng dân gian. Công trình được xây dựng tại góc bên phải, phía trước của Văn miếu. Kiến trúc xưa có 3 gian xây gạch, xung quanh có nhiều cây cổ thụ như: thông, nhãn, đại, gạo… Hàng ngày, dân làng có việc gì đều ra khấn vái. Trong kháng chiến di tích bị tàn phá và hủy liệt. Sau ngày Hòa bình lập lại (1954), nhân dân địa phương đã xây lại một gian nhỏ, mặt trước quay theo hướng Nam, diện tích gần 6 m2.

     Trải qua năm tháng, miếu bị xuống cấp nghiêm trọngNăm 2010, Ban quản lý di tích Văn miếu Mao Điền đã vận động bà Phạm Thị Cải (TP. Hải Dương) đầu tư khôi phục. Công trình kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (J) gồm 3 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung, chất liệu gỗ nghiến, khung vì kiểu “kèo cầu, trụ báng”; mặt tiền  đổi sang hướng Đông. Miếu Thổ Cờ do Công ty TNHH tu bổ di tích Thanh Bình, TP. Hải Dương thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2011.

         - Văn miếu môn:

         Trong kháng chiến chống Pháp di tích đã bị xuống cấp và đổ nát; năm 1995, UBND tỉnh Hải Dương cho phục dựng trên nền cũ. Công trình thiết kế theo mẫu của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội với ba bộ phận: Chính môn, Tả môn, Hữu môn kiểu vòm cuốn. Hai cổng Tả môn và Hữu môn xây bên cạnh Chính môn, kết cấu hai tầng tám mái, lợp ngói vẩy hến. Hai bên cửa vòm là hai khối trụ hình chữ nhật để trơn, không trang trí. Riêng Chính môn cao vượt Tả môn và Hữu môn, tính từ nền tới nóc đến 5,7 m. Chính môn cấu trúc gồm 2 phần: phần thượng và phần hạ. Bốn góc phần hạ có trụ biểu lồng đèn, đỉnh đắp nổi hình“Phượng lá lật” gồm bốn con đứng chụm vào nhau, đuôi và cánh vươn cao, đầu chúc xuống dưới trong tư thế chuẩn bị cất cánh. Phía dưới là hình tượng hổ phù khá dữ tợn - Mô típ thường gặp tại kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Chính giữa Hạ chính môn là cổng cuốn vòm cao lắp đặt 2 cánh cửa gỗ chạm khắc đẹp mắt, hai bên có hai cửa sổ chữ “Thọ”. Hai mặt trước và sau của Hạ chính môncó bốn ô chữ  nhật đắp nổi hình“Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phượng). Đằng sau hai cửa sổ chữ Thọ có cầu thang lên Thượng chính môn. Thượng chính môn là một lầu hình chữ nhật kiểu hai tầng, tám mái. Giữa nóc có hình tượng mặt trời lửa. Bên dưới có ba cửa cuốn thông thoáng. Toàn bộ cột trụ văn miếu để trơn, riêng ô chính giữa có 4 chữ Hán “Ngưỡng Di ChiCao”(Ngưỡng trông cao vời). Mặt sau có phù điêu 5 người mặc triều phục được cho là hình ảnh của Khổng Tử và bốn học trò thân tín (?)

         - Nhà bia Tiến sĩ:

         Do nhiều nguyên nhân, trước đây không có bia đề danh Tiến sĩ. Năm 2002, để tôn vinh đạo học tỉnh Đông, đơn vị chủ đầu tư là Sở VHTT Hải Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học xác định nội dung và dựng hai nhà bia Tiến sĩ. Mỗi nhà có 7 gian bằng gỗ lim, kết cấu khung vì kiểu “chồng giường” lợp ngói mũi kiểu “đao tàu, déo góc” để đặt 14 tấm bia. Trong đó có tấm bia số 1 ghi tóm tắt lịch sử Văn miếu và quá trình khắc dựng bia. Số còn lại gồm 13 tấm bia đề danh 637 Tiến sĩ nho học trấn Hải Dương (1075-1919). Theo quy định: mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Quốc ngữ để khách thăm quan có thể tiếp cận dễ dàng. Mẫu dáng lấy theo bia thời Lê Trung Hưng (TK XVII-XVIII) của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Năm 2010, thực hiện chủ trương “xã hội hóa”, Ban quản lý di tích đã tiếp nhận công đức khắc dựng 01 tấm bia Tiến sĩ Nho học Hải Dương của tập thể CBVC Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Số bia còn lại được lắp dựng hoàn thiện trong năm 2016 và khánh thành vào dịp lễ hội truyền thống, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017.

        Thiên Quang tỉnh:

        Nguyên trước là hai chiếc ao đào để lấy nước tưới cây được xây dựng cùng thời với Văn miếu (1801). Trải qua năm tháng, ao bị sạt lở gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan và môi trường của di tích. Năm 2002, thực hiện quy hoạch mới, chủ đầu tư cho cải tạo ao thành hồ lấy tên là “Thiên Quang tỉnh” (giếng chứa ánh sáng trời) phỏng theo mô hình của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Chính giữa dựng một cầu đá làm điểm nhấn tạo sự hài hòa trong không gian cảnh quan đồng thời cũng là để du khách có thể đi thẳng từ ngoài vào; xung quanh ao dựng lan can gạch hoa và làm đường dạo bộ hành.

        Cột Cờ:

        Đồng thời với việc tôn tạo Thiên Quang tỉnh, trong khuôn viên văn miếu được xây dựng mới 02 cột cờ bằng kim loại cao 9m. Bên trái treo cờ Thần có thêu chữ “Văn” (văn chương, học thuật) ở giữa, bên phải treo cờ Tổ quốc, với ý nghĩa tôn vinh di sản văn hóa luôn gắn liền với việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Công trình hoàn thành vào năm 2004 đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan của di tích.

       -  Hai nhà bia cổ(hai bên cầu ao)

Văn miếu còn lưu giữ được 3 tấm bia ghi nhận những lần trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, do trải qua năm tháng và chiến tranh, chỉ có 2 tấm còn rõ chữ, còn 1 tấm đã bị bào mòn không thể đọc được. Nội dung được tóm tắt như sau:

        - Tấm bia thứ nhất có tựa đề “Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo” là tấm bia có kích thước khá lớn: 190 cm x 108 cm x 23 cm. Bia được khắc dựng từ một tấm đá xanh nguyên khối hình chữ nhật đặt trên bệ vuông không rùa. Trang trí trán bi có hình tượng “Lưỡng long chầu nhật”gồm hai con rồng chầu mặt trời đang tỏa sáng ở giữa. Rồng được tạo  dáng thú dữ tợn, đầu ngẩng cao về phía trước, râu tóc bay chải về phía sau. Toàn thân rồng phủ kín vẩy cá, giữa lưng có một đám mây xoắn. Đáng chú ý là đuôi rồng tạo hình thon nhỏ về phía sau, không xoắn lại như đuôi rồng thời Nguyễn. Chân rồng chắc khỏe với 5 móng sắc nhọn, đang đạp mạnh vào đám mây. Hình tượng rồng ở đây mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.

         Lòng bia khắc bài ký của Nguyễn Khắc Trinh thuộc châu Hoa, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam. Chữ trong bia được khắc kiếu chữ “Chân” rõ ràng sắc nét. Đáng tiếc, văn bia bị đục mất 2 chữ trên trán trước chữ “…Tân Dậu” và 7 chữ ở hàng thứ 3 của bài ký. Đây là tấm bia ghi việc di chuyển Văn miếu Hải Dương từ Vĩnh Lại (Bình Giang) về Mao Điền (Cẩm Giàng). Qua nghiên cứu, hai chữ đầu bị đục là chữ “Bảo Hưng”, niên hiệu vua Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn. Bia được tạo dựng vào năm Bảo Hưng Nguyên niên (1801). Điều đó phù hợp với nội dung ca ngợi nhà Tây Sơn có công đầu trong việc thống nhất đất nước, thực hiện nhiều cải cách xã hội tiến bộ dưới triều Quang Trung hoàng đế. Công việc đang dở dang thì Quang Trung đột ngột từ trần. Vua con Quang Toản nối nghiệp cha chưa đủ điều kiện thực hiện thì sự nghiệp vua cha để lại đã bị mất về tay nhà Nguyễn. Đây là di vật quý hiếm giúp chúng ta nghiên cứu làm sáng tỏ lịch sử Văn miếu Mao Điền.

           Tấm thứ hai có tựa đề “Trùng tu Văn miếu bi ký” . Bia có kích thước trung bình: 142 cm x 90 cm x 19 cm được đặt trên bệ đá.  Đây là tấm bia được tạo tác khá đẹp, khác với tấm bia vuông khắc năm Tân Dậu (1801), trán bia cong mềm mại, trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nhât” khá sắc nét. Bia ghi việc trùng tu Văn miếu giai đoạn 1806 - 1807 với việc hoàn thiện các hạng mục công trình: Bái đường, Hậu cung, Khải Tánh, Tây vu, Đông vu, nhà Học hiệu, gác Chuông, gác Khánh. gác Khuê Văn …. tạo cho Văn miếu có một quy mô bề thế, xứng đáng là nơi tôn vinh đạo học tỉnh Đông. Bia được tạo dựng vào ngày tốt, tháng 8 năm Gia Long thứ 9 (1810).

         Nhận thấy hai tấm bia trên có giá trị đặc biệt, năm 2014, UBND huyện Cẩm Giàng đã đầu tư tôn tạo 02 nhà bảo quản bia tại hai đầu phía Đông và phía Tây của Thiên Quang Tỉnh. Mẫu dáng kiến trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Công trình do Công ty TNHH tu bổ di tích Thanh Bình (TP. Hải Dương) thi công. Nội dung bia đã được dịch thuật và giới thiệu phục vụ khách thăm quan, du lịch về thăm di tích.

        - Gác Chuông, gác Trống:

        Tại Văn miếu có 01 gác chuông và 01 gác khánh được xây dựng bằng gạch ngói, vôi vữa từ năm 1806. Trải qua năm tháng và chiến tranh, công trình đã bị đổ nát. Năm 2004, gác chuông, gác khánh được phục dựng bằng gỗ lim, kiểu chồng diêm, tám mái khá bề thế. Xét thấy khánh đá cũ nhỏ bé, sứt vỡ không phù hợp với công trình nên chủ đầu tư đã thay thế bằng chiếc trống đại. Đây là một kỷ vật của Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Trung tâm hoạt động VH-KH Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội trao tặng (theo đó, gác Khánh đổi tên thành gác Trống).

          Cũng trong dịp này, ông Đăng Quang Tính, nguyên Cục trưởng PCLB Trung ương, Bộ NN&PTNT cùng tập thể CBVC trong ngành của tỉnh Hải Dương đã công đức 01 quả chuông đồng. Chuông nặng tới 1.040 kg do nhóm thợ đúc phường Ngũ Xã, quận Đống Đa, TP. Hà Nội thực hiện.

Nhà Đông vu và Tây vu:

         Công trình được xây dựng cùng thời với Văn miếu (1801). Đây là nơi tụ họp của bá quan văn, võ trước khi vào lễ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền. Hai nhà được thiết kế giống nhau, mỗi nhà có 5 gian, hai tường hồi và hậu xây kín tới mái. Kết cấu khung vì  kiểu“kèo cầu, trụ báng”, chất liệu gỗ lim vững chắc. Trang trí điêu khắc đơn giản, chủ yếu là vân xoắn và hoa lá cách điệu, nét chắc khỏe. Mặt trước trổ ba khoang cửa bức bàn và hai cửa sổ kiểu nan trượt. Trải qua năm tháng và chiến tranh, nhà Tây vu bị đổ nát, còn lại nhà Đông vu bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2004, thực hiện dự án, chủ đầu tư đã cho phục dựng nhà Tây vu và tu sửa nhà Đông vu. Nhà Tây vu tạm thời sử dụng làm nơi đón tiếp khách của Ban Quản lý di tích; nhà Đông vu làm Nhà truyền thống Giáo dục- Đào tạo, góp phần phát huy giá trị Văn miếu.

         Năm 2015 - 2016, thực hiện quy hoạch mở rộng Văn miếu, UBND huyện Cẩm Giàng đã đầu tư xây dựng mở rộng đường vào, bãi đỗ xe, trồng cây xanh và xây mới nhà làm việc của Ban quản lý di tích. Nhà gỗ lim rộng 7 gian, lợp ngói mũi, kiến trúc phỏng theo nhà Đông vu và Tây vu. Công trình đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, kịp thời phục vụ Lễ hội truyền thống mùa xuân Văn miếu Mao Điền năm Bính Thân (2016).

         - Bái đường, Hậu cung:

Trên trục thần đạo dẫn vào nhà Bái Đường là một khoảng sân rộng hình chữ nhật lát gạch vuông đỏ, hai bên là hai nhà Đông vu và Tây vu, mỗi nhà gồm 5 gian. Hiện nay nhà Đông vu được sử dụng làm nhà truyền thống giáo dục đào tạo của tỉnh Hải Dương. Nhà Tây vu được sử dụng là nơi tiếp khách và làm việc của Ban Quản lý di tích. Qua khoảng sân rộng và bậc Tam cấp được làm bằng đá xanh là không gian thờ tự của Văn miếu. Công trình có kiến trúc kiểu chữ nhị (=) dạng “trùng thiềm điệp ốc”. Đây là hai công trình chính của Văn miếu, có mặt tiền quay hướng chính Nam với lối kiến trúc 2 tầng 8 mái, như gợi lên một vũ trụ quan dịch học. Các lớp mái với đầu đao vươn cao thanh thoát, nhẹ nhàng, bay bổng tượng trưng cho dương, đặt trên thế kiến trúc vững chắc tượng trưng cho âm. Âm dương điều hoà (lưỡng nghi) sinh tứ tượng, tượng trưng cho 4 phía mái, rồi tứ tượng vận hành mà sinh bát quái (Kiền: trời; khảm: nước; cấn: núi; chấn: sấm; tốn: gió; ly: lửa; khôn: đất; đoài: đầm, hồ) là biểu trưng của 8 lá mái để rồi vận động, biến đổi mà thành muôn loài…

        Rõ ràng, vẻ đẹp của kiến trúc vừa tạo giá trị mỹ thuật của công trình, vừa chuyển tải giá trị cao cả - là ý nghĩa tâm linh sâu nặng, là tư duy biện chứng của nền triết học phương Đông, tâm tư nguyện vọng của cư dân nông nghiệp, cầu mong sự thuận hòa giữa Đất – Trời, thuận hòa giữa con người làm yếu tố căn bản của triết lý sinh tồn.

         Đây là hai tòa nhà chính của văn miếu, có quy mô bề thế, gồm 7 gian và 6 hàng cột, chồng diêm tám mái, lợp ngói mũi. Kích thước dài 22, 5m; rộng 18,6 m; cao 0,5 m so với mặt sân. Mặt bằng kiểu chữ “Nhị”, Hai nhà cách nhau một khoảng sân lọng. Nhà có chất liệu gỗ lim vững chắc, kết cấu khung vì như nhà Đông vu và Tây vu. Trang trí điêu khắc tập trung tại khung vì với các họa tiết vân xoắn và hoa lá cách điệu. Hai nhà Bái đường và Hậu cung đều trổ 5 khoang cửa ra vào và 2 khoang cửa sổ. Để tiện ích sử dụng, nhà ngoài lắp cánh “thượng song, hạ bản”để thoáng, nhà trong lắp cửa bức bàn bưng kín nhằm đảm bảo an ninh; hai đầu sân lọng trổ cửa nách để ra, vào thêm thuận lợi. Sau nhiều năm sử dụng, công trình đã xuống cấp.

         Năm 1999, Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương đã cho tu sửa mền mái, đảo ngói. Từ năm 2002 - 2004, thực hiện dự án tu bổ, chủ đầu tư đã tu bổ và sơn thếp toàn bộ hệ thống cột, xà, khung vì làm cho công trình thêm lộng lẫy, đẹp mắt.

         Phía sau Hậu cung có một gò đất cao gọi là “Hậu Chẩm”, công trình được xây dựng cùng thời với Văn miếu (1801). Theo thuyết phong thủy: nơi thờ Thánh nhân phải có thế đất “gối sơn, đạp thủy”. Khu vực Văn miếu vốn là mảnh đất bằng phẳng nên người xưa đã đắp đất cao thành gò. Trong kháng chiến, giặc Pháp chiếm đóng xây bốt đã đào phá. Năm 2007, cán bộ viên chức ngành thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương đã công đức đắp cao Hậu Chẩm thành Tam Sơn (cao 1,2 m so với sân Bái đường).

         - Khải Thánh:

         Di tích được xây dựng trong giai đoạn 1806 - 1807, dưới triều vua Gia Long. Quy mô nhỏ, kiến trúc kiểu chữ “Nhất”gồm 3 gian gỗ lim. Đây là nơi thờ cha mẹ Khổng Tử là Thúc Lương Ngột và Nhan Trưng Tại. Trong kháng chiến, Khải Thánh đã bị xuống cấp và đổ nát hoàn toàn.

         Năm 2009, thực hiện chủ trương “Xã hội hóa”, Ban quản lý di tích đã vận động Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) thuộc Bộ Giao thông Vận tải công đức dựng lại Khải Thánh trên nền cũ. Để đáp ứng nhu cầu mới, Khải Thánh được mở rộng 5 gian gỗ táu mật, kết cấu khung vì theo mẫu nhà Hậu cung. Công trình do Công ty TNHH tu bổ di tích Thanh Bình (TP. Hải Dương) thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2010.

         Trước nhà Bái đường và Khải Thánh, mỗi nơi đặt 01 lư hương đá lớn để du khách dâng hương ngoài trời. Lư hương nhà Bái đường được tạo hình tròn, lư hương nhà Khải Thánh hình vuông, họa tiết trang trí phỏng theo di vật thời Nguyễn (TK XIX), do Công ty đá mỹ nghệ Thanh Cường (TP. Hải Dương) thi công. Di vật do gia đình Cố Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Long, trú tại 74 Bùi Thị Xuân (TP. Hải Dương) công đức năm 2010.

        4. Danh nhân thờ tự tại VMMĐ

          Bài trí thờ tự tại di tích trước đây được sắp xếp theo mô hình của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Ngoài Bái đường có 01 ban thờ công đồng để nho sinh xa, gần đến lễ bái. Trong Hậu cung có 03 ban thờ: chính giữa thờ Khổng Tử; bên tả thờ Nhan Hồi, Tử Tư; bên hữu thờ Mạnh Tử và Tăng Tử là bốn học trò thân tín nhất của Khổng Tử từ lúc sinh thời. Trong kháng chiến, di tích bị xuống cấp, tượng và các đồ thờ bị thất tán.

          Năm 2002, được sự nhất trí của các cấp, ngành và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, bài trí thờ tự đã có sự đổi mới nhằm đề cao văn hóa dân tộc. Ngoài việc thờ Khổng Tử như trước còn phối thờ thêm 08 vị Đại khoa người Việt, trong đó đúc tượng đồng 5 Danh nhân là: Đức Khổng Tử, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng đẹp đẽ. Đồng thời lập bài vị cho 04 danh nhân còn lại là: Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh, Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ. Nhóm tượng thờ và bài vị do Công ty Mỹ thuật Trung ương, Bộ VHTT thực hiện. Căn cứ vào tài, đức của danh nhân, bài trí thờ tự được sắp xếp như sau:

       1 - Chính giữa là ban thờ  Đức thánh Khổng Tử. (551 – 479TCN) Ông tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, sinh tại Ấp Trâu, Khúc Phụ nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc). Khổng Tử là nhà tư tưởng  vĩ đại, nhà hoạt động chính trị, giáo dục xuất sắc thời cổ đại. học thuyết của ông trở thành trụ cột tinh thần của của chế độ phong kiến, có ảnh hưởng sâu sắc đến nền giáo dục và tinh thần của các tầng lớp trí thức nhiều nước trong đó có Việt Nam. Ông là một nhà quản lí xã hội tài ba, người đề cao vai trò của người quân tư “ Tu nhân tề gia, trị quốc bình thiên hạ”, nữ giới phải có những “công dung, ngôn hạnh”, người thầy “Dạy không mệt, học không biết mỏi”. Ông được người đời sau tôn vinh là Vạn thế sư biểu(người thầy của muồn đời).

            Tượng Khổng Tử đạt tại Văn miếu trong tư thế ngồi trên bệ vuông, đầu đội mũ ô sa, khuôn mặt đầy đặn, tai to dài, mắt sáng, mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười. Hai tay chắp trước ngực trong thế kết ấn “Thiên định”, bàn tay trái đặt ra ngoài bàn tay phải. Thân mặc hai lớp áo gấm thêu rồng, vai rộng, bụng thon, đai lưng to bản, trang trí mây lửa. Hai chân đi hài, bàn đặt thẳng vuông góc với mặt  nền. Kích thước tượng cao: 90 cm, ngang vai: 45 cm, ngng gối: 41 cm.

       2 - Bên phải Đức Khổng Tử là ban thờ cụ Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Quê gốc tại thôn Chi Ngại, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương

. năm 20 tuổi ông thi đỗ Thái học sinh đời nhà Hồ, khoa thi Canh Thìn, năm 1400 tại Thanh Hóa.sau khi thi đỗ ông ra làm quan với nhà Hồ 7 năm sau đó đất nước rơi vào họa xâm lăng của nhà Minh. Năm 1418 ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cùng với Lê Lợi chống lại giặc Minh và trở thành linh hồn của cuộc khởi nghĩa với tài mưu lược và ngoại giao. Nguyễn Trãi là người viết “Bình Ngô đại cáo” nổi tiếng, được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của nước ta.

       Ông là nhà quân sự, chính trị , ngoại giáo, 1 nhà văn, nhà thơ tiêu biểu trong lịch sử phong kiến Việt Nam TK.XV. Ông là người có tầm cao trí tuệ, anh hùng dân tộc. năm 1980 ông được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới.

       Tượng thờ Nguyễn Trãi tại văn miếu đặt trong tư thế ngồi trên bệ vuông, đầu đội mũ cánh chuồn, khuôn mặt vuông, mắt mở to, râu dài, tai to dài, trán cao, nét mặt như luôn suy tư việc nước. Thân mặc ba lớp áo gấm thêu rồng và trang trí mây nước cách điệu. Hai chân đi hài, bàn đặt vuông góc với mặt nền. Hai tay đặt trên gối, tay trái cầm quạt. Kích thước tượng cao: 93 cm; ngang vai: 42 cm; ngang gối: 43 cm.

        3- Bên trái Đức Khổng Tử là ban thờ nhà giáo Chu Văn An (1292 – 1370).Ông người xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Khi nhỏ đã là người có nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc, không màng danh lợi, trưởng thành thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Vua trần Minh Tông thấy ông là người có đức, mời ông làm Tư nghiệp Quốc tử giám dạy các thái tử trong triều học tập. Dưới triều vua Trần Dụ Tông, ông dâng Thất trảm sớ (chém 7 quan gian thần) không được vua chấp nhận, ông từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương dựng nhà dạy học và mất ngày 27/11/1370 tại mảnh đất Chí Linh. Lịch sử Việt Nam đã tôn thờ ông là một nhà nho có đức nghiệp lớn. Chu Văn An là tấm gường sáng cho muôn đời noi theo.

         Tượng thờ nhà giáo Chu Văn An tại Văn miếu Mao Điền trong tư thế ngồi trên bệ vuông, đầu đội mũ phốc, phía trước có trang trí hình mặt trời lửa, khuôn mặt đầy đặn, mắt sáng, mũi thẳng, nét mặt nhân từ. Thân mặc ba lớp áo lụa mỏng, trang trí vân mây, sóng nước. Bụng thắt đai có hoa văn trang trí. Hai tay chắp vuông góc trước ngực, dâng sớ, lòng bàn tay úp, ngón đan vào nhau. Hai chân đi hài, bàn đặt thẳng vuông góc với mặt nền. Kích thước tượng cao: 90 cm, ngang vai: 41 cm, ngang gối 41 cm.

        4- Mở rộng bên phải có ban thờ Trình quốc công Trạng nguyên  Nguyễn Bỉnh Khiêm( 1491 - 1585).  Ông người thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng ( trước đây Vĩnh bảo thuộc phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương). Cha ông là nhà giáo Nhữ Văn định, ông học hành rất sơm nhưng dưới thời nhà Lê do không hài lòng với xã hội đương thời nên ông đã khống ra ứng thí các kì thi mà ở nhà dựng trường dạy học.

      Đến năm 44 – 45 tuổi tháy triều Mạc thay đổi, ông dự thi 3 khoa thi liền và đỗ đầu cả 3 kì thi Hương, thi Hội, thi Đình đỗ đầu dành học vị Trạng nguyên. Ông là người nôi tiếng về Nho, Y, Lý, số, nhà chính trị, nhà triết học, nhà ngoai giáo xuất sắc trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 52 tuổi ông từ quan về trí sĩ và tiếp tục sự nghiệp dạy học, làm thơ tại quê nhà

           Tượng thờ Trình quốc công Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Văn miếu MĐ trong tư thế ngồi  trên bệ vuông, đầu vấn khăn vải. Khuôn mặt hơi gầy, râu dài, mắt sáng mở to, sống mũi thẳng, miệng khép hờ. Thân mặc áo nhiều lớp mỏng, bụng thắt đai, không trang trí hoa văn. Tay trái cầm sách đặt trên gối, tay phải chỉ ngón trỏ lên trời, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Hai chân đi hài không trang trí, bàn đặt thẳng vuông góc với mặt nền. Kích thước tượng cao: 90 cm, ngang vai: 40 cm, ngang gối: 46 cm.

       5 - Mở rộng bên trái có ban thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346). Ông sinh quán taijtrang Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã namTaan, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nhà rất nghèo vẫn thi đỗ Trạng nguyên, làm quan tới chức Thượng Thư sau thăng lên chức tả bộc xạ, ông là người nổi tiếng thanh liêm, có tiết khí cứng cỏi, trí tuệ siêu việt, tài đối đáp. Năm 28 tuổi ông đi sứ nhà nguyên, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ được thể diện quốc gia. Vua Nguyên phong Lưỡng quốc Trạng nguyên ( trạng nguyên 2 nước Việt Nam và Trung Hoa) cùng với câu nói rất nổi tiếng đã đi vào lưu giữ sử sách của Việt Nam và Trung Hoa với câu “ Người không những là Trạng nguyện của một nước An Nam bé nhỏ mà người còn là Trạng nguyên của một nước Trung Hoa vĩ đại”.

 Tượng thờ lưỡng quốc trạng nguyên mạc Đình Chi tại Văn miếu Mao Điền    trong tư thế ngồi trên bệ vuông, đầu đội mũ cánh chuồn, trang trí mặt nguyệt, nét mặt nhân hậu, mắt sáng, mũi thẳng, râu dài. Thân mặc áo lụa mỏng nhiều lớp trang trí rồng mây, sóng nước. Bụng thắt đai gấm trang trí mặt trời lửa. Hai ống tay áo rộng buông trùng xuống chân, bàn tay phải đặt lên bụng, lòng bàn tay úp, bàn tay trái cầm chiếc quạt giấy đặt trên gối. Hai chân đi hài trang trí vân mây, sóng nước, bàn đặt thẳng vuông góc với mặt nền. Kích thước tượng cao: 95 cm, ngang vai: 42 cm, ngang gối: 42 cm.

6- Khám thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh (1330 - ?), ông sinh ra tại làng Xưa, thôn Ngĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện cẩm Giàng, tình Hải Dương. Tuệ Tĩnh lên sáu tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được sư chùa Giám nuôi dưỡng, sau đó gửi vào chùa Giao Thủy, Nam Định cho ăn học. Bên cạnh giúp việc chùa hàng ngày, ông còn tự học, đèn nến không đủ ông còn lấy lá đa đốt để lấy ánh sáng tự học. Đây chính là một tấm gương học sinh nghèo vượt khó, muốn nhắc nhở mọi thế hệ học sinh noi gương, trân trọng tài đức của Đại Danh y Tuệ Tĩnh.

Tuệ Tĩnh vốn là người thông minh, ham học, năm 22 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh đời Vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 (1351) nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang (chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng) chuyên tâm nghiên cứu y học giáo lý, ông lấy vườn chùa làm cơ sở trồng thuốc và truyền bá các phương thuốc đơn giản và dược tính bằng thơ chữ Nôm dễ nhớ, dễ hiểu. Tuệ Tĩnh đã thúc đẩy nguồn dược liệu phát triển, xây dựng quan điểm Y học dân tộc.

Năm Giáp Tý (1384), Vua nhà Trần phái Tuệ Tĩnh đi xứ nhà Minh. Lúc đó, Hoàng Hậu nhà Minh đang mắc chứng bệnh Hậu sản, các thầy thuốc đều không chữa khỏi. Tuệ Tĩnh đã dùng thuốc Nam chữa khỏi căn bệnh. Trước tài năng của ông, Vua nhà Minh đã phong ông làm “Đại y Thiền sư”. Đối với Tuệ Tĩnh dù ở cương vị nào, là học trò, người thầy hay làm người dân thường, ông đều thể hiện là người có “tiết tháo cao thượng”. Bởi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất nhỏ, ở với người bác mà đỗ đến Hoàng Giáp Tiến sĩ, chứng tỏ ông là người có trí lớn. Sau khi đỗ đạt, ông lại không ra làm quan, hưởng vinh hoa phú quý, mà mượn vườn chùa để trồng thuốc, chọn nghề Y chữa bệnh cứu người và theo đạo Phật để tu nhân tích đức. Không những thế, ông còn là một nhà yêu nước vĩ đại, hết lòng vì nước, vì dân. Bị đi sứ Trung Quốc, ông đã bỏ công sức viết nên tác phẩm “Hồng Nghĩa giác tư y thư”, viết lại những bài thuốc Nam hay để chuyển về quê hương, phục vụ cho công việc chữa bệnh cứu người. Ông cũng là người có tư tưởng tiến bộ với chủ trương “Nam dược trị Nam nhân”, thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và hành động theo “Tôi tiên sư kính đạo tiên sư. Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”.

       7- Khám thờ Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh(TK.XIV). Ông người Hương Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, nay là xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là người học rò thành tài và hiển đạt của nhà giáo Chú Văn An. Năm 1325 đời vua Trần Minh Tông, ông thi đỗ Thái Học Sinh, làm quan tới chức Nhập nội hành khiển và đi sứ nhà Nguyên, ông từng đọc 7 thiên kinh của Mạnh Tử không sai sót lấy 1 từ khiến vua Nguyên phải kinh ngạc. Ông là người có tài khí hùng hồn, nguồi thơ lai láng ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, hiện bút tích của ông vẫn còn lưu tại Động Kính Chủ với bài thơ Đăng thạch môn sơn lưu đề , bài thơ cac ngợi về quê hương, đất nước trong những ngày thanh bình, kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi.

       8 – Khám thờ thần toán Vũ Hữu (1444 – 1530) Người lang Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 20 tuổi ông thi đỗ Tiến sĩ khoa thi Quý Mùi năm (1463), làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, tước Dương Tùng Hầu nhưng rất thanh liêm, cần kiệm. Năm 1527, phụng mệnh vua ông đi phong cho Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương. Vũ Hữu có biệt tài về toán học, sáng lập ra phép tính đo ruộng, xây cất nhà cửa, đắp đê, dân gian tôn ông là Trạng Toán. Ông là nhà văn hóa, chính trị và là người chử trương đưa toán học vào trong thi cử.

      9 – Khám thờ Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (1573 - ?). Tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền, quê xã Kiệt Đặc, nay là xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. 10 tuổi đã tinh thông chữ nghĩa. Trong xã hội phong kiến nữ giới không được đi học, đi thi, bà đã giả trai đi học và đi thi, đỗ Tiến sĩ năm 20 tuổi. Khi vua Mạc phát hiện ra đã không xử trọng tội mà còn phong cho bà là Tinh Phi ( bà chúa Sao Sa) và vời vào cung  dạy các phi tần. Khi nhà Mạc diệt vong, Tinh Phi Diệu Huyền được vua Lê phong là Nghi Ái quan hàn Lâm viện .Bà còn được giúp các quan giám khảo chấm thi chọn người tài; giúp các sĩ tử về phương pháp học từ xa. Bà là người yêu quý dân chúng, một lòng vì sự phần vinh của nước nhà. Người phụ nữ mang lại sự bình quyền cho nam – nữ được tới trường như ngày hôm nay, một người phụ nữ có học vị cao nhất trong kịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.

   Ngoài 3 tấm bia cổ và các danh nhân được thờ tại Văn miếu Mao Điền, di tích còn có những cổ vật có giá trị như:

Đỉnh hương, khánh đá:

       Trong số ít đồ thờ còn lại sau kháng chiến, đỉnh hương và khánh đá là những di vật gắn liền với lịch sử văn miếu thời kỳ trước cách mạng tháng Tám (1945).

         Đỉnh hương hình khối chữ nhật, trang trí hoa văn khá đẹp với hình tượng hổ phù ở bốn mặt. Đáng chú ý mặt trước đỉnh hương có khắc chìm dòng chữ Hán “Hải Dương văn miếu thạch đỉnh” (Đỉnh đá văn miếu Hải Dương). Qua nghiên cứu hoa văn và đối chiếu với tư liệu văn bia có thể xác định đỉnh hương được chế tác vào giai đoạn 1806 - 1807, cùng với đợt đại trùng tu dưới triều vua Gia Long như bia năm 1810 đã ghi nhận.

          Khánh đá là nhạc khí được dùng trong tế lễ tại di tích tôn giáo tín ngưỡng, chất liệu phổ biến bằng đồng và đá. Tại văn miếu có 01 khánh đá đặt trong nhà Bái đường. Khánh được làm bằng một tấm đá nguyên khối có kích thước dài: 150 cm, cao: 73 cm, dày: 12 cm. Hai mặt khánh đều có 3 núm tròn đường kính 10 cm để gõ. Mặt trước của khánh có bốn vòng tròn nổi khắc 4 chữ Hán “Vĩnh Thùy Vạn Đại” (Tồn tại mãi mãi), hai bên cánh trang trí “Ngư long hý thủy”. Mặt sau trang trí“Long mã đội hà đồ”. Đây là một di vật quý của văn miếu.

      5. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

     Từ sau ngày khánh thành tu bổ, tôn tạo (20/4/2004), Văn miếu Mao Điền trở thành một thiết chế văn hóa, giáo dục,  địa chỉ khuyến học, khuyến tài, nơi tôn vinh hoạt động giáo dục như tuyên dương khen thưởng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Văn hiến tỉnh Đông trong dịp lễ hội truyền thống vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm… với những giá trị lịch sử của di tích và các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc các năm vừa qua Văn miếu đã được các cấp quan tâm mở rộng khuôn viên di tích như đường vào, bãi xe, nhà làm việc… tạo nên một nét đặc trưng riêng của Văn miếu Mao, điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn bậc nhất của trấn Hải Dương xưa, tỉnh Hải Dương nay.

                                                                                         Theo camgiang.haiduong.gov.vn


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Giới thiệu sách tháng 2 cuốn sách: " Phòng, chống các bệnh thường gặp trong gia đình bằng thảo dược quanh ta" ... Cập nhật lúc : 11 giờ 17 phút - Ngày 26 tháng 2 năm 2024
Xem chi tiết
Thư viện TH Đức Chính giới thiệu sách tháng 2 cuốn sách: " Sự tích hoa đào, hoa mai" ... Cập nhật lúc : 8 giờ 52 phút - Ngày 5 tháng 2 năm 2024
Xem chi tiết
Giới thiệu sách tháng 2 cuốn sách: "Kể chuyện gương hiếu học" Hiếu học thể hiện một tinh thần tự nguyện, một sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, không bao giờ tự bằng lòng với nhữ ... Cập nhật lúc : 8 giờ 41 phút - Ngày 2 tháng 2 năm 2024
Xem chi tiết
Thư viện Đức Chính giới thiệu sách tháng 1 cuốn sách: " Bên suối bịt tai nghe gió" ... Cập nhật lúc : 10 giờ 1 phút - Ngày 22 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
(Tiểu học Đức Chính) Giới thiệu sách tháng 1 cuốn sách: " Những nền văn hóa cổ trên lãnh thổ Việt Nam" ... Cập nhật lúc : 8 giờ 17 phút - Ngày 17 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Ngày 09/01/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương (GDĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Hải Dương năm học 2023-2024. ... Cập nhật lúc : 23 giờ 13 phút - Ngày 11 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Chương trình "Đông ấm vùng cao" và "Xuân tình nguyện" là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, lòng tương thân tương ái và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với cộng đồng xã hội; đ ... Cập nhật lúc : 20 giờ 56 phút - Ngày 9 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
(Trường Tiểu học Đức Chính) THƯ VIỆN TH ĐỨC CHÍNH GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1 CUỐN SÁCH: " KỂ CHUYỆN CÁC VỊ VUA HIỀN" ... Cập nhật lúc : 8 giờ 24 phút - Ngày 9 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
(Tiểu học Đức Chính" Thư viện TH Đức Chính giới thiệu sách tháng 12 cuốn sách: " Người khách sau chiến tranh" ... Cập nhật lúc : 10 giờ 38 phút - Ngày 25 tháng 12 năm 2023
Xem chi tiết
Tháng 12 chủ điểm: "UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN" Liên đội Trường Tiểu học Đức Chính tổ chức "HÀNH TRÌNH VỀ CÁC ĐỊA CHỈ ĐỎ" nhân dịp 22/12 ... Cập nhật lúc : 21 giờ 37 phút - Ngày 23 tháng 12 năm 2023
Xem chi tiết
123456789101112131415161718
DANH MỤC
ĐỀ THI, CHUYÊN ĐỀ
ĐỀ THI MÔN TOÁN, TIẾNG VIỆT 1 CUỐI KÌ I 2023-2024
ĐỀ THI MÔN TOÁN, TIẾNG VIỆT 2 CUỐI KÌ I 2023-2024
ĐỀ THI MÔN TOÁN, TIẾNG VIỆT 3 CUỐI KÌ I 2023-2024
ĐỀ THI MÔN TOÁN 4 GIỮA KÌ I 2023-2024
ĐỀ THI MÔN TIẾNG VIỆT 4 GIỮA KÌ I 2023-2024
ĐỀ THI MÔN TIẾNG VIỆT 5 GIỮA KÌ I 2023-2024
ĐỀ THI MÔN TOÁN 5 GIỮA KÌ I 2023-2024
ĐÈ THI MÔN TOÁN LỚP 4 CUỐI KÌ I NĂM 2023-2024
Đề KTĐK CUỐI HỌC KÌ II MÔN TIẾNG ANH KHỐI 3 NĂM 2022-2023
Đề KTĐK CUỐI HỌC KÌ II MÔN TIẾNG ANH KHỐI 4 NĂM 2022-2023
Đề KTĐK CUỐI HỌC KÌ II MÔN CÔNG NGHỆ KHỐI 3 NĂM 2022-2023
Đề KTĐK CUỐI HỌC KÌ II MÔN TIN HỌC KHỐI 5 NĂM 2022-2023
Đề KTĐK CUỐI HỌC KÌ II MÔN TIN HỌC KHỐI 4 NĂM 2022-2023
Đề KTĐK CUỐI HỌC KÌ II MÔN TIN HỌC KHỐI 3 NĂM 2022-2023
Đề KTĐK CUỐI HỌC KÌ II MÔN LỊCH SỬ ĐỊA LÍ KHỐI 5 NĂM 2022-2023
12345678910...
VĂN BẢN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Quyết định số: 01/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hanh Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân
Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông
Thông tư số: 22/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.
Luật số: 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12.
Luật Viên chức số: 58/2010/QH12
Luật Cán bộ, Công chức số 22/20082008/QH12
Luật Giáo dục số 43/2019/QH14
Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định Đánh giá học sinh Tiểu học
Thông tư số: 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông
công tác chuyên môn tháng 8/2017
Công tác chuyên môn tháng 1/2017
Công tác chuyên môn tháng 12/2016
Công tác chuyên môn tháng 11/2016
Công tác chuyên môn Tháng 10
Công tác chuyên môn tháng 9/2016
123